Hành trình nhân văn đưa trẻ khiếm thính đến trường
Hành trình đưa con chữ đến với trẻ em vốn không hề đơn giản, đối với trẻ khuyết tật lại càng gian nan. Trong hành trình ấy, Trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Xã Đàn (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã dành cho trẻ khuyết tật khiếm thính những cơ hội học tập để hòa nhập cộng đồng và tình yêu thương, những nỗ lực hết mình vì trẻ.
Gian nan học chữ
10 năm dạy học trẻ chuyên biệt, cô giáo Vũ Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ Tiểu học chuyên biệt ấn tượng nhiều với cậu học trò tên Nguyễn Văn Tuấn. Ngày đó, Tuấn đã 17 tuổi nhưng không biết gì, không thể giao tiếp với ai, nói gì cũng không phản ứng lại. Tuấn quê ở Thanh Hóa, cả gia đình đưa nhau ra Hà Nội làm thuê; hằng ngày, em theo bố đi bốc vác nhưng nhiều khi cứ lầm lũi, có chuyện gì bất bình, tức quá Tuấn cũng chỉ bỏ đi.
Khi bắt đầu đi học, Tuấn đã quá lớn so với các bạn, nhưng bằng tình yêu thương, cô Hiền đã giúp Tuấn dần dần biết chữ. Khi đi học, giao tiếp với bạn bè, cuộc sống của Tuấn cũng cởi mở hơn. Em không còn một mình trong thế giới của mình nữa. Giờ đây, Tuấn đã lấy vợ, sinh con, em bé khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Ngày Tuấn hỏi thăm sức khỏe và báo tin vui mà cô Hiền như vỡ òa trong cảm xúc.
Không đến trường muộn như Nguyễn Văn Tuấn nhưng con đường đến trường của những trẻ khiếm thính ở Trường PTCS Xã Đàn khác cũng vô cùng gian nan. Để học hết chương trình tiểu học, các em phải mất 9 năm. 4 lớp đầu chương trình tiểu học, mỗi năm trẻ khiếm thính chỉ học lượng kiến thức tương đương với một học kỳ. Nhiều em nhà xa như ở Đan Phượng, Sơn Tây, Ba Vì… phải đi xe bus đến trường hằng ngày vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện để thuê trọ học. Gia đình nhiều em là nông dân, vốn đã khó khăn, nuôi một trẻ khiếm thính càng thêm tốn kém. Nhiều gia đình đã đổ tiền đổ của để chữa chạy cho con đến bạc nhược tinh thần…
Là một trong những trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật khiếm thính đầu tiên của Việt Nam, Trường PTCS Xã Đàn hiện có 3 lớp mẫu giáo, 25 lớp từ lớp 1 đến lớp 9, trong đó có những lớp học sinh bình thường và 16 lớp chuyên biệt, 3 lớp mầm non trẻ thường và chuyên biệt học cùng nhau. Thầy giáo Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trẻ khiếm thính nghe thầy cô giáo giảng bằng ngôn ngữ ký hiệu vô cùng khó khăn. Thầy cô giáo dạy trẻ chuyên biệt, ngoài kiến thức, kỹ năng còn cần tình yêu thương đặc biệt với trẻ. Nhưng hiện nay, chính sách với thầy cô dạy trẻ chuyên biệt mới được thêm 70% giáo viên đứng lớp. Điều này rất đáng quý nhưng chưa tương xứng với công sức các thầy cô phải bỏ ra. Đôi khi, để vận động thêm cho học sinh khiếm thính, trường phải huy động nguồn xã hội hóa từ cộng đồng để học sinh chăm chỉ có học bổng, để gia đình nghèo khó bớt phần khó”.
Ngôn ngữ ký hiệu – cầu nối giúp trẻ khiếm thính hòa nhập
Khi chúng tôi gọi điện cho chị Kiều Kim Phương (nhà ở Nguyễn Trường Tộ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), phụ huynh cháu Hoàng Anh Tú, 14 tuổi, học năm thứ 7 tại Trường PTCS Xã Đàn, thì được gia đình cho biết: Trước khi vào trường, Tú không nói được gì, khi gọi con không có phản ứng. Lúc mới vào học ở trường, cả nhà rất ngạc nhiên vì con tiến bộ từng ngày. Theo chị Phương, ngôn ngữ ký hiệu là một trong những đóng góp quan trọng trong quá trình học của con. Đó là chiếc cầu nối giữa con khiếm thính với cha mẹ, thầy cô và thế giới bên ngoài.
Thực tế không phải ai cũng biết ngôn ngữ ký hiệu, đó là chưa kể cùng ký hiệu nhưng ở những nơi khác nhau lại có cách hiểu khác nhau. Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai dự án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu (QIPEDC) do Quỹ Hợp tác toàn cầu tài trợ theo kết quả đầu ra (GPRBA) viện trợ không hoàn lại ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án được thực hiện ở 20 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó có Hà Nội, cho giai đoạn 2019-2022. Chị Kiều Kim Phương cho rằng mình may mắn khi nhờ có dự án, chị được đi học ngôn ngữ để giúp con tiến bộ nhanh hơn. Những nội dung của chương trình khá đa dạng, toàn diện, từ chữ cái, số tự nhiên đến cả những vấn đề giáo dục giới tính, phòng, chống xâm hại cho trẻ khuyết tật, rồi hướng dẫn phụ huynh cách dạy trẻ sao cho súc tích nhất.
Theo thầy giáo Phạm Văn Hoan, với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt cho trẻ khiếm thính, kho học liệu của dự án QIPEDC sử dụng ngôn ngữ ký hiệu được chuẩn hóa với các video theo chủ đề, giúp giáo viên thuận tiện sử dụng để dạy học sinh. Đặc biệt, ngoài giáo viên, học sinh, dự án còn hỗ trợ cả những người lớn khiếm thính, nhân viên hỗ trợ giáo dục, phụ huynh học sinh khiếm thính. “Dự án đã góp phần nâng cao trình độ của thầy cô giáo. Học sinh hào hứng, thích thú với các hoạt động của dự án. Vốn ngôn ngữ ký hiệu của học sinh được mở rộng, củng cố và nâng cao, kết quả học tập tốt hơn hẳn so với trước đây. Phụ huynh học sinh của trường cũng bày tỏ vui mừng và mong con được tiếp tục thụ hưởng những lợi ích và giá trị tốt đẹp từ dự án mang lại”, thầy Phạm Văn Hoan khẳng định.
Theo Báo Quân đội nhân dân