Skip to content Skip to left sidebar Skip to footer

Thông tin hoạt động

Nâng cao chất lượng Dự án “Học tập và Kỹ năng cho trẻ em” giai đoạn 2024-2026

Hội nghị sơ kết giai đoạn 2022-2023 & xây dựng kế hoạch 2024-2026 Dự án “Học tập & kỹ năng cho trẻ em” do Chương trình Giáo dục UNICEF tại Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý các dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức (Ban QLCDA), với mục tiêu đánh giá những kết quả đạt được, các thuận lợi, khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện Dự án giai đoạn 2022-2023 qua đó đưa ra các ý kiến đóng góp, những bài học kinh nghiệm rút ra để dự án được triển khai tốt hơn trong giai đoạn 2024-2026.

Hội nghị đã được tổ chức tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) trong 2 ngày 23-24/11/2023 nhằm nâng cao năng lực cho các công chức, viên chức các Vụ/Cục/Viện/Trường sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT: Lào Cai, Ninh Thuận, Kon Tum, Đồng Tháp, An Giang, TP. HCM và Hội đồng Dân tộc Quốc hội trong xây dựng, lập kế hoạch triển khai và triển khai chiến lược, quy hoạch, chính sách, hoạt động chuyên môn, tài liệu hướng dẫn và hoạt động có liên quan đến kỹ năng giáo dục cho trẻ em.

Sau 2 năm triển khai Dự án đã góp phần tăng cường tiếp cận bình đẳng với môi trường học tập an toàn, tôn trọng và hòa nhập; phát triển kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi cũng như cơ hội học tập, sống trong môi trường xanh, sạch và an toàn cho trẻ em và trẻ vị thành niên, đặc biệt là trẻ em dễ bị tổn thương. Đối tượng hưởng lợi dự án là 21 triệu trẻ em trong độ tuổi mầm non và học sinh phổ thông tại Việt Nam. Trong đó, dự án sẽ ưu tiên hướng tới các nhóm trẻ và vị thành niên khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ di cư, trẻ dễ bị tổn thương.

Tại Hội nghị nhiều tham luận, báo cáo được các đại biểu trình bày, trao đổi thu nhận được nhiều kết quả. Qua đó, các đại biểu đã đánh giá mức độ quan tâm, thực hiện Dự án nhằm thúc đẩy nền giáo dục hòa nhập công bằng, dựa trên quyền con người, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới năm 2030 với mục đích “không có trẻ em nào bỏ lại phía sau”. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đưa ra các vướng mắc và nêu rõ những tồn tại, khó khăn, bất cập để Bộ Giáo dục và Đào tạo và UNICEF kịp thời nhìn nhận và tháo gỡ.

Bên cạnh đó, Hội nghị đã triển khai và tập huấn các chuyên đề nhằm thống nhất các quy định, quy trình về quản lý, triển khai dự án góp phần nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện dự án vào giai đoạn 2024-2026.

Một vài hình ảnh diễn ra tại Hội nghị:

Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết Tình hình thực hiện giai đoạn 2022-2023 và xây dựng Kế hoạch 2024-2025 Dự án “Học tập và Kỹ năng cho trẻ em”

Ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non trình bày tham luận tại Hội nghị

Ông Phạm Quốc Khánh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) trình bày tham luận tại Hội nghị

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Giám đốc Ban QLCDA cho biết, mục tiêu dự án góp phần tăng cường tiếp cận bình đẳng với môi trường học tập an toàn, tôn trọng và hòa nhập; phát triển kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi cũng như cơ hội học tập, sống trong môi trường xanh, sạch và an toàn cho trẻ em và trẻ vị thành niên, đặc biệt là trẻ em dễ bị tổn thương.

Bà Tara O’Connell – Trưởng Chương trình Giáo dục UNICEF Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Các đại biểu lắng nghe các báo cáo tham luận tại Hội nghị

Đại diện Ban QLCDA báo cáo tình hình thực hiện giai đoạn 2022-2023 của dự án “Học tập và Kỹ năng cho trẻ em, giai đoạn 2022-2026” do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) viện trợ không hoàn lại

Nhiều tham luận, báo cáo được trình bày, trao đổi tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá mức độ quan tâm, thực hiện Dự án nhằm thúc đẩy nền giáo dục hòa nhập công bằng, dựa trên quyền con người, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới năm 2030 với mục đích “không có trẻ em nào bỏ lại phía sau”

Nhiều báo cáo tham luận chất lượng được các đơn vị thực hiện Dự án trình bày tại Hội nghị

Hội nghị đã thu nhận được nhiều kết quả, nhiều tham luận, báo cáo được các đại biểu trình bày, trao đổi.

Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đưa ra các vướng mắc hoặc nêu rõ những tồn tại, khó khăn, bất cập để Bộ Giáo dục và Đào tạo và UNICEF kịp thời nhìn nhận và tháo gỡ.

Các đại biểu tham dự tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Đại diện Ban QLCDA đã hướng dẫn các nội dung liên quan đến công tác tài chính, đấu thầu trong quá trình thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, Hội nghị đã triển khai và tập huấn các chuyên đề nhằm thống nhất các quy định, quy trình về quản lý, triển khai dự án

Các ý kiến đóng góp, những bài học kinh nghiệm rút ra để dự án được triển khai tốt hơn giai đoạn 2024-2026.

Hội nghị đã góp phần nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình thực hiện kế hoạch dự án trong giai đoạn kế tiếp.


Ban QLCDA gửi tặng hàng trăm suất quà cho các em học sinh vùng cao nhân dịp năm học mới 2023-2024

Với mong muốn chia sẻ, động viên và khích lệ các thầy cô giáo cùng các em học sinh vùng cao về vật chất cũng như tinh thần trong ngày năm học mới 2023-2024, ngày 31/8/2023 Ban QLCDA đã tổ chức chương trình thiện nguyện và gửi tặng nhiều phần quà ý nghĩa tại trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Thượng Sơn (xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang).

Sách giáo khoa đã được gửi tặng đến tận tay cho các em học sinh trường PTDTBT THCS Thượng Sơn

Trường PTDTBT THCS Thượng Sơn hiện nay có 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, 70% là con em hộ nghèo, nhà ở xa trường, nằm rải rác phân tán tại các thôn bản do có địa hình đồi núi phức tạp. Là đơn vị trường học trên địa bàn xã khu vực III (đặc biệt khó khăn) của huyện Vị Xuyên có điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nên điều kiện học tập của các em học sinh còn nhiều khó khăn và thiệt thòi. Trước tình hình thực tế đó, Chi ủy Ban QLCDA đã quan tâm chỉ đạo Công đoàn và Đoàn thanh niên quyên góp ủng hộ các em học sinh bao gồm sách giáo khoa, vở viết, quần áo và tiền mặt để hỗ trơ nhà trường trong việc mua máy tính góp phần nâng cao chất lượng dạy và học nơi đây.

Đường tới điểm trường Thượng Sơn của các thầy cô giáo và các em học sinh còn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ cảm xúc sau khi nhận được các suất quà tặng đúng thời điểm bắt đầu năm học mới, thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Thượng Sơn – Cô Đặng Thị Hồng Nhung đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ban QLCDA đã dành tặng những tình cảm cho học sinh trường Thượng Sơn, điều này sẽ giúp cho các em học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường để học tập, phụ huynh không còn lo lắng phải chuẩn bị sách giáo khoa, vở viết, quần áo cho con em khi năm học mới bắt đầu. Riêng máy vi tính sẽ giúp nhà trường hỗ trợ cho thầy, cô lên lớp giảng bài cho học sinh được sinh động hơn. Sự quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ của Ban QLCDA là nguồn động viên rất lớn về tinh thần và vật chất để các em học sinh vượt qua những khó khăn thử thách, nỗ lực học tập, chăm chỉ rèn luyện để sau này trở thành người công dân tốt, góp phần tích cực xây dựng đất nước, xây dựng quê hương.

Dự án chăm sóc mắt học đường mở rộng hiệu quả ngoài mong đợi

Dự án chăm sóc mắt học đường mở rộng là giai đoạn tiếp theo, sau dự án Mắt sáng học hay đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 2017-2019. Dự án được Qũy Fred Hollows Foundation cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc viện trợ không hoàn lại với kinh phí gần 400.000 AUD (đô la Úc), triển khai từ tháng 09/2021 đến tháng 12/2024, thực hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và 05 tỉnh/thành phố tham gia dự án bao gồm: Đà Nẵng, Hải Dương, Tiền Giang, Quảng Nam, Bến Tre.

Trong 2 ngày từ ngày 27 đến 28/7/2023 Ban Quản lý các dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ban QLCDA) đã tổ chức buổi Hội thảo giữa kỳ Dự án Chăm sóc mắt học đường mở rộng giai đoạn 2021-2024 (Dự án) được tổ chức tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ Y tế, Quỹ Fred Hollows Foundation (FHF) và các đơn vị thụ hưởng dự án bao gồm Ban Quản lý Dự án các tỉnh Hải Dương, Quảng Nam, Bến Tre, Tiền Giang và thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Hội nghị còn có các đại diện nhà tư vấn, các đại diện tổ chức phi chính phủ ECF-ORBIS tham dự.

Phát biểu khai mạc buổi Hội thảo, Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Giám đốc Ban QLCDA cho biết các bệnh về mắt là vấn đề lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe được các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam luôn cần được quan tâm. Tỷ lệ tật khúc xạ: cận thị, viễn thị, loạn thị và các bệnh về mắt các chấn thương đối với mắt … đã đến mức báo động. Các bệnh mắt dẫn đến chứng nặng gây ra mù lòa là minh chứng cho sự quan tâm sai cách của phụ huynh. Các nghiên cứu cho rằng hơn một nửa bệnh mắt có thể ngăn ngừa và chữa trị thành công nếu được phát hiện sớm. Do vậy, việc phát hiện và can thiệp sớm giúp trẻ tránh được mù lòa và đảm bảo chất lượng cuộc sống giảm ghánh nặng cho gia đình.

Ông Nguyễn Ngọc DũngPhó Giám đốc Ban QLCDA phát biểu khai mạc buổi Hội thảo giữa kỳ

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo, tham luận về triển khai hoạt động Dự án trong năm 2022 đến tháng 6/2023 tại 05 tỉnh/ thành phố. Trong đó, Dự án đã đạt được những thành tựu nổi bật trong việc triển khai tài liệu hướng dẫn chăm sóc mắt học đường mở rộng, các nội dung chăm sóc mắt đã được đưa vào nhiệm vụ năm học 2022-2023. Ngoài ra, các tài liệu chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa được chuyển thể sang ngôn ngữ ký hiệu được nhân rộng mô hình tại tỉnh Tiền Giang và thành phố Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GDĐT cho biết: “Dự án chăm mắt học đường mở rộng đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương và địa phương vì vậy đề nghị dự án tiếp tục tìm hiểu các nhu cầu với các nhóm trẻ em để có các can thiệp vấn đề sức khỏe về mắt cho học sinh được tốt hơn trong thời gian tới”.

Các đại biểu tham dự tại Hội thảo

Dự án đã tổ chức khám sàng lọc các bệnh về mắt cho 210.101 học sinh, khám chuyên khoa các vấn đề liên quan đến mắt cho 10.720 học sinh và cấp kính thuốc cho 3.466 em học sinh. Bên cạnh đó, Dự án tổ chức các hoạt động Truyền thông thay đổi hành vi (IEC/BCC) cho 500.148 học sinh, các hoạt động này đã góp phần thay đổi nhận thức hành vi chăm sóc mắt của các em học sinh và phụ huynh.

Nhằm giảm thiểu các bệnh/chấn thương về mắt trong học sinh tiểu học, Bộ GDĐT phối hợp với Quỹ FHF tổ chức biên soạn tài liệu “Chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa” dành cho học sinh tiểu học. Tài liệu có mục tiêu giúp học sinh tiểu học hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ mắt, bước đầu hình thành các kĩ năng phòng ngừa các bệnh về mắt và các chấn thương mắt trong các hoạt động học tập, vui chơi, sinh hoạt nói chung. Về nội dung này, các đại biểu được nghe các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lồng ghép tài liệu chăm sóc mắt tại các cuộc hội nghị, hội thảo tập huấn và cũng như kinh nghiệm triển khai tài liệu cho cán bộ quản lý, giáo viên và trẻ mẫu giáo. Giúp cho các hoạt động duy trì , phát triển nhân rộng mô hình chăm sóc mắt học đường.

Ông Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ GDĐT chia sẻ việc triển khai tài liệu “Chăm sóc và phòng chống mù lòa cho học sinh tiểu học”

Chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai tài liệu “Chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa cho học sinh tiểu học” Ông Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ GDĐT cho rằng tài liệu tổ chức dạy học và chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Tài liệu đã tạo cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động, tạo sự đồng bộ trong việc triển khai tài liệu cũng như mục tiêu của Dự án đối với các cơ sở giáo dục trên cả nước nói chung và các địa phương nói riêng. Qua đó, đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới để tiếp tục giới thiệu, triển khai, tập huấn hướng dẫn bộ tài liệu này một cách linh hoạt, đa dạng hóa hình thức.

Ông Đỗ Đức Quế – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GDĐT giải đáp thắc mắc của các tổ chức phi chính phủ tại hội thảo.

Trong việc triển khai tài liệu chăm sóc mắt dành cho trẻ, đại diện của các tổ chức phi chính phủ cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến nội dung này. Giải đáp các câu hỏi này, Ông Đỗ Đức Quế – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GDĐT cho biết Bộ GDĐT đã ban hành chương trình giáo dục, phổ biến đến tất cả Sở GDĐT việc đưa nội dung chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa tích hợp vào trong chương trình giáo dục phổ thông, không phải là một môn học riêng biệt mà là tích hợp trong nội dung các môn học, trong các tiết học, bài dạy, tích hợp trong các hoạt động giáo dục từ mầm non cho tới cấp tiểu học và trung học. Đối với công tác quản lý, Bộ GDĐT đã có hướng dẫn đối với 63 Sở GDĐT về nhiệm vụ triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường. Ngoài ra, ngành GDĐT đã phối hợp với ngành Y tế thông qua các văn bản, chương trình hợp tác trong việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại Nhà trường và tích cực phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Y tế và Sở Giáo dục, Phòng Y tế trường và Phòng Giáo dục, các Sở Y tế xã/phường/ bệnh viện với nhà trường để lồng ghép tổ chức các hoạt động liên quan đến chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa.

Tại Hội thảo, các đại biểu đại diện đến từ các địa phương thụ hưởng Dự án chia sẻ kết quả tích cực đạt được ngoài mong đợi thông qua báo cáo hoạt động triển khai. Các địa phương hoàn thành tốt mục tiêu của Dự án, góp phần giảm tỷ lệ suy giảm thị lực ở trẻ em các huyện, thành phố tham gia dự án. Theo của Ban Quản lý dự án tỉnh Hải Dương mức độ hài lòng đối với dịch vụ khám mắt 87% học sinh hài lòng (trong đó 16% rất hài lòng và 71% hài lòng và 0% trẻ không hài lòng với quá trình thăm khám của bác sỹ). Đối với kính thuốc dự án cấp có đạt 90 % trẻ hài lòng (trong đó có đến 60% trẻ rất hài lòng) tuy nhiên, vẫn còn 10% số trẻ chưa thực sự hài lòng.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Phúc – Trưởng đại diện Quỹ Fred Hollows Foundation Việt Nam phát biểu tại hội thảo bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GDĐT, lãnh đạo các Vụ, Cục, Ban QLCDA, lãnh đạo ngành Giáo dục và Y tế nhờ đó Dự án đạt nhiều tiến bộ so với cùng kỳ năm ngoái.

Các đại biểu trình bày mô hình truyền thông chăm sóc mắt cho trẻ em khiếm thính tại nhiều địa phương. Tại thành phố Đà Nẵng đã thực hiện hoạt động khám, chữa các bệnh tật về mắt cho học sinh các trường trung tâm trẻ khuyết tật trên địa bàn thành phố, để từ đó phát hiện các trẻ khuyết tật ít có cơ hội nhận được các dịch vụ chăm sóc mắt do các em thiết kiến thức và vốn ngôn ngữ để giao tiếp. Kết quả đã có 100% trẻ điếc được giáo viên tập huấn sàng lọc thị lực bằng công cụ 4m để xác định dấu hiệu suy giảm thị lực, tổ chức đoàn khám cho 168 em học sinh có dấu hiệu suy giảm thị lực và cấp 105 đôi kính cho học sinh tại 4 trường/ Trung tâm chăm sóc trẻ điếc. Các tài liệu video chuyển ngữ Tài liệu chăm sóc mắt phù hợp đã giúp cho 100% giáo viên tham gia tập huấn và dạy thí điểm đều đánh giá là phù hợp trong đó có 33,3 % giáo viên cho là rất phù hợp.

Bà Lê Thị Diệu Thủy (Sở GDĐT Đà Nẵng) chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về chăm sóc mắt cho trẻ khiếm thính.

Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, hội thảo nhận được rất nhiều ý kiến đề xuất hữu ích của các đại biểu dự án trong quá trình triển khai, các báo cáo chất lượng cao góp phần đạt được mục tiêu chung của dự án, mang đến nhiều chỉ số tích cực, sự tiến bộ trong nhận thức một bộ phận giáo viên, phụ huynh và học sinh trong việc chăm sóc mắt học sinh. Theo như chia sẻ của thầy Tường (Quảng Nam) cho biết: “cảm ơn Dự án đã đến với tỉnh Quảng Nam, Dự án mang đến thông tin và mang đến sự tiến bộ, nhận thức đối với mọi người, điều này là vượt sự mong đợi của tôi. Cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đơn vị tài trợ FHF đã quan tâm và chúng tôi sẽ cam kết thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới”.

Hội thảo đánh giá giữa kỳ đánh giá kết quả đạt được, ưu điểm, những khó khăn và cách khắc phục để triển khai trong các giai đoạn sau nhằm đạt thành công cuối cùng của Dự án.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc hội thảo giữa kỳ.

Thông báo mời quan tâm đối với các gói thầu thuộc Kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị dự án theo Quyết định số 487/QĐ-QLCDA ngày 06/6/2023 của Giám đốc Ban Quản lý các dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo Trường Hữu Nghị T78”

Căn cứ Quyết định số 487/QĐ-QLCDA ngày 06/6/2023 của Giám đốc Ban Quản lý các dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo Trường Hữu Nghị T78” (đợt 1). Ban QLCDA trân trọng kính mời các đơn vị đáp ứng điều kiện về năng lực có quan tâm đề xuất tham gia thực hiện các gói thầu thuộc KHLCNT nêu trên.

File đính kèm:

Thông tin chi tiết liên hệ:

Ban Quản lý các dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Địa chỉ: Tầng 2, toà nhà 8C, ngõ 30, Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Điện thoại: 024.7108.8799

Email: “bqlcda@moet.gov.vn“.

Tổ chức thành công Đại hội Công đoàn cơ sở Ban Quản lý các dự án lần thứ II, nhiệm kỳ 2023-2028

Ngày 24/5, Công đoàn cơ sở (CĐCS) Ban Quản lý các dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ban QLCDA) đã tổ chức Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023-2028. Tham dự chỉ đạo Đại hội có đồng chí Nguyễn Sinh Thành – Chánh Văn phòng Đảng Đoàn thể, đại diện Ban Thường vụ Công đoàn cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cùng các đồng chí lãnh đạo và toàn thể đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) Ban QLCDA. Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội gồm có các đồng chí Phạm Thị Hà – Chủ tịch CĐCS Ban QLCDA, đồng chí Dương Phương Hồng – Phó Chủ tịch CĐCS Ban QLCDA và đồng chí Phạm Thuỷ Quỳnh – Uỷ viên BCH CĐCS Ban QLCDA nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Theo Báo cáo tổng kết hoạt động CĐCS Ban QLCDA nhiệm kỳ 2017-2022 và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023-2028, trong 5 năm qua, trong điều kiện đơn vị có nhiều biến động của quá trình chuyển giao thế hệ, đội ngũ ĐVCĐ của Ban QLCDA đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ đầu nhiệm kỳ 2017-2022, Ban QLCDA có 35 ĐVCĐ, trong đó có 08 công đoàn viên nữ, đến nay, CĐCS Ban QLCDA có tổng số 53 ĐVCĐ, trong đó có 14 công đoàn viên nữ. Với vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn, CĐCS Ban QLCDA đã cơ bản hoàn thành tốt trách nhiệm là tổ chức đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho viên chức, người lao động; đời sống vật chất, tinh thần của công đoàn viên từng bước được nâng lên; các hoạt động phong trào công đoàn ngày càng sôi nổi, chất lượng, hiệu quả hơn.

Quang cảnh Đại hội CĐCS Ban QLCDA lần thứ II, nhiệm kỳ 2023-2028

Bên cạnh đó, BCH CĐCS Ban QLCDA thường xuyên theo dõi nắm bắt và giải quyết kịp thời những thắc mắc của người lao động, tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách chế độ cho người lao động, phối hợp với chính quyền trao đổi, đối thoại với viên chức, người lao động, nhất là trong ký kết hợp đồng lao động, giải quyết một số đề xuất, kiến nghị của ĐVCĐ góp phần ổn định tình hình trong đơn vị.

Đồng chí Phạm Thị Hà – Chủ tịch CĐCS Ban QLCDA báo cáo tổng kết hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ 2017-2022

Bên cạnh đó, BCH CĐCS Ban QLCDA đã thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế trong quá trình tổ chức, hoạt động như: Trong nhiệm kỳ qua, có sự gián đoạn nhất định từ những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 trong giai đoạn năm 2020-2022; 100% cán bộ BCH CĐCS Ban QLCDA hoạt động kiêm nhiệm, do đó, thời gian dành cho hoạt động công đoàn chưa nhiều; Trong thời gian tham gia BCH thì có 02/03 đồng chí được cử tham gia học cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung nên hoạt động công đoàn chưa thực sự chất lượng; Kinh phí hoạt động công đoàn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí là đoàn phí và ngân sách công đoàn cấp trên giao, các nguồn kinh phí tài trợ hạn chế nên các hoạt động phong trào công đoàn của đơn vị chưa thực sự sôi nổi. Từ đó, Ban Chấp hành CĐCS Ban QLCDA đã phân tích các nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023-2028.

Đại diện Ban Thường vụ Công đoàn cơ quan Bộ GDĐT, Chánh Văn phòng Đảng – Đoàn thể Bộ GDĐT, đồng chí Nguyễn Sinh Thành – đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của BCH CĐCS Ban QLCDA đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. CĐCS Ban QLCDA đã hoàn thành toàn diện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ I và góp phần vào thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ Đại hội công đoàn cơ quan Bộ GDĐT nhiệm kỳ 2017-2022. Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Công đoàn cơ quan Bộ GDĐT đề nghị CĐCS Ban QLCDA tiếp tục làm tốt công tác quán triệt các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn mà Ban QLCDA được giao phó; làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền hợp pháp chính đáng của người lao động thông qua việc tham gia xây dựng các quy chế nội bộ; tổ chức tốt các phong trào thi đua, yêu nước, đẩy mạnh phong trào thi đua …

Đại diện Ban Thường vụ Công đoàn Bộ GDĐT, Chánh văn phòng Đảng – Đoàn thể Bộ GDĐT, đồng chí Nguyễn Sinh Thành phát biểu tại Đại hội

Đồng chí Nguyễn Sinh Thành nhấn mạnh một số giải pháp để CĐCS Ban QLCDA thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2023-2028. CĐCS Ban QLCDA cần chủ động, tích cực nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ổn định tư tưởng của công đoàn viên để cùng đồng lòng, chung sức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn đề ra.

Lãnh đạo Ban QLCDA tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành CĐCS Ban QLCDA nhiệm kỳ 2023-2028

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành CĐCS Ban QLCDA lần thứ II, nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 5 đồng chí và bầu 11 đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Công đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo lần thứ III, nhiệm kỳ 2023-2028.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Bí thư Chi bộ Ban QLCDA, Phó Giám đốc Ban QLCDA tặng hoa chia tay các đồng chí trong Ban chấp hành CĐCS Ban QLCDA khoá I nhiệm kỳ 2017-2022.

Đại hội cũng đã dành những tình cảm tốt đẹp và các bó hoa tươi thắm để cảm ơn và chia tay các đồng chí trong Ban chấp hành CĐCS Ban QLCDA khoá I nhiệm kỳ 2017-2022.

Đồng chí Trần Trung Sơn – Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, đại diện Ban chấp hành CĐCS Ban QLCDA nhiệm kỳ 2023-2028 phát biểu tại Đại hội

Đại diện BCH CĐCS Ban QLCDA nhiệm kỳ mới, đồng chí Trần Trung Sơn khẳng định trong nhiệm kỳ tới sẽ tiếp tục xây dựng CĐCS vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; Xứng đáng là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐVCĐ; Là sợi dây kết nối khối đoàn kết trong Ban QLCDA; Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tích cực trong đơn vị, đáp ứng yêu cầu xây dựng CĐCS Ban QLCDA nói riêng và Công đoàn cơ quan Bộ GDĐT, Công đoàn Giáo dục nói chung.

Sau nửa ngày làm việc, Đại hội CĐCS Ban QLCDA lần thứ II, nhiệm kỳ 2023-2028 đã kết thúc tốt đẹp.

Hành trình nhân văn đưa trẻ khiếm thính đến trường

Hành trình đưa con chữ đến với trẻ em vốn không hề đơn giản, đối với trẻ khuyết tật lại càng gian nan. Trong hành trình ấy, Trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Xã Đàn (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã dành cho trẻ khuyết tật khiếm thính những cơ hội học tập để hòa nhập cộng đồng và tình yêu thương, những nỗ lực hết mình vì trẻ.

Gian nan học chữ

10 năm dạy học trẻ chuyên biệt, cô giáo Vũ Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ Tiểu học chuyên biệt ấn tượng nhiều với cậu học trò tên Nguyễn Văn Tuấn. Ngày đó, Tuấn đã 17 tuổi nhưng không biết gì, không thể giao tiếp với ai, nói gì cũng không phản ứng lại. Tuấn quê ở Thanh Hóa, cả gia đình đưa nhau ra Hà Nội làm thuê; hằng ngày, em theo bố đi bốc vác nhưng nhiều khi cứ lầm lũi, có chuyện gì bất bình, tức quá Tuấn cũng chỉ bỏ đi.

Khi bắt đầu đi học, Tuấn đã quá lớn so với các bạn, nhưng bằng tình yêu thương, cô Hiền đã giúp Tuấn dần dần biết chữ. Khi đi học, giao tiếp với bạn bè, cuộc sống của Tuấn cũng cởi mở hơn. Em không còn một mình trong thế giới của mình nữa. Giờ đây, Tuấn đã lấy vợ, sinh con, em bé khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Ngày Tuấn hỏi thăm sức khỏe và báo tin vui mà cô Hiền như vỡ òa trong cảm xúc.
Không đến trường muộn như Nguyễn Văn Tuấn nhưng con đường đến trường của những trẻ khiếm thính ở Trường PTCS Xã Đàn khác cũng vô cùng gian nan. Để học hết chương trình tiểu học, các em phải mất 9 năm. 4 lớp đầu chương trình tiểu học, mỗi năm trẻ khiếm thính chỉ học lượng kiến thức tương đương với một học kỳ. Nhiều em nhà xa như ở Đan Phượng, Sơn Tây, Ba Vì… phải đi xe bus đến trường hằng ngày vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện để thuê trọ học. Gia đình nhiều em là nông dân, vốn đã khó khăn, nuôi một trẻ khiếm thính càng thêm tốn kém. Nhiều gia đình đã đổ tiền đổ của để chữa chạy cho con đến bạc nhược tinh thần…

Là một trong những trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật khiếm thính đầu tiên của Việt Nam, Trường PTCS Xã Đàn hiện có 3 lớp mẫu giáo, 25 lớp từ lớp 1 đến lớp 9, trong đó có những lớp học sinh bình thường và 16 lớp chuyên biệt, 3 lớp mầm non trẻ thường và chuyên biệt học cùng nhau. Thầy giáo Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trẻ khiếm thính nghe thầy cô giáo giảng bằng ngôn ngữ ký hiệu vô cùng khó khăn. Thầy cô giáo dạy trẻ chuyên biệt, ngoài kiến thức, kỹ năng còn cần tình yêu thương đặc biệt với trẻ. Nhưng hiện nay, chính sách với thầy cô dạy trẻ chuyên biệt mới được thêm 70% giáo viên đứng lớp. Điều này rất đáng quý nhưng chưa tương xứng với công sức các thầy cô phải bỏ ra. Đôi khi, để vận động thêm cho học sinh khiếm thính, trường phải huy động nguồn xã hội hóa từ cộng đồng để học sinh chăm chỉ có học bổng, để gia đình nghèo khó bớt phần khó”.

Ngôn ngữ ký hiệu – cầu nối giúp trẻ khiếm thính hòa nhập

Khi chúng tôi gọi điện cho chị Kiều Kim Phương (nhà ở Nguyễn Trường Tộ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), phụ huynh cháu Hoàng Anh Tú, 14 tuổi, học năm thứ 7 tại Trường PTCS Xã Đàn, thì được gia đình cho biết: Trước khi vào trường, Tú không nói được gì, khi gọi con không có phản ứng. Lúc mới vào học ở trường, cả nhà rất ngạc nhiên vì con tiến bộ từng ngày. Theo chị Phương, ngôn ngữ ký hiệu là một trong những đóng góp quan trọng trong quá trình học của con. Đó là chiếc cầu nối giữa con khiếm thính với cha mẹ, thầy cô và thế giới bên ngoài.

Thực tế không phải ai cũng biết ngôn ngữ ký hiệu, đó là chưa kể cùng ký hiệu nhưng ở những nơi khác nhau lại có cách hiểu khác nhau. Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai dự án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu (QIPEDC) do Quỹ Hợp tác toàn cầu tài trợ theo kết quả đầu ra (GPRBA) viện trợ không hoàn lại ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án được thực hiện ở 20 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó có Hà Nội, cho giai đoạn 2019-2022. Chị Kiều Kim Phương cho rằng mình may mắn khi nhờ có dự án, chị được đi học ngôn ngữ để giúp con tiến bộ nhanh hơn. Những nội dung của chương trình khá đa dạng, toàn diện, từ chữ cái, số tự nhiên đến cả những vấn đề giáo dục giới tính, phòng, chống xâm hại cho trẻ khuyết tật, rồi hướng dẫn phụ huynh cách dạy trẻ sao cho súc tích nhất.

Theo thầy giáo Phạm Văn Hoan, với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt cho trẻ khiếm thính, kho học liệu của dự án QIPEDC sử dụng ngôn ngữ ký hiệu được chuẩn hóa với các video theo chủ đề, giúp giáo viên thuận tiện sử dụng để dạy học sinh. Đặc biệt, ngoài giáo viên, học sinh, dự án còn hỗ trợ cả những người lớn khiếm thính, nhân viên hỗ trợ giáo dục, phụ huynh học sinh khiếm thính. “Dự án đã góp phần nâng cao trình độ của thầy cô giáo. Học sinh hào hứng, thích thú với các hoạt động của dự án. Vốn ngôn ngữ ký hiệu của học sinh được mở rộng, củng cố và nâng cao, kết quả học tập tốt hơn hẳn so với trước đây. Phụ huynh học sinh của trường cũng bày tỏ vui mừng và mong con được tiếp tục thụ hưởng những lợi ích và giá trị tốt đẹp từ dự án mang lại”, thầy Phạm Văn Hoan khẳng định.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Ban Quản lý các dự án Bộ GD&ĐT xây dựng dự án Chăm sóc mắt học đường mở rộng giai đoạn 2021-2024

Dự án chăm sóc mắt học đường mở rộng là giai đoạn tiếp theo, sau dự án Mắt sáng học hay đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 2017-2019. Dự án được Qũy Fred Hollows cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc viện trợ không hoàn lại với kinh phí gần 400.000 AUD (đô la Úc), triển khai từ tháng 09/2021 đến tháng 12/2024, thực hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và 05 tỉnh/thành phố tham gia dự án bao gồm: Đà Nẵng, Hải Dương, Tiền Giang, Quảng Nam, Bến Tre.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới và các tạp chí Y tế uy tín liên quan về các nguyên nhân gây mù hàng đầu trên thế giới ở những người từ 50 tuổi trở lên vào năm 2020 là đục thủy tinh thể (15,2 triệu trường hợp), tiếp theo là bệnh Glaucoma (cườm nước, 3,6 triệu trường hợp), tật khúc xạ chưa được chỉnh kính (2,3 triệu trường hợp), thoái hóa điểm vàng (1,8 triệu trường hợp), và bệnh võng mạc đái tháo đường (0,86 triệu trường hợp). Nguyên nhân hàng đầu gây Suy giảm Thị lực là Tật khúc xạ học đường chưa được chỉnh kính (86,1 triệu trường hợp) và đục thủy tinh thể (78,8 triệu trường hợp).

Dự án Chăm sóc mắt học đường mở rộng 2021-2024 (sau đây gọi tắt là Dự án) được Qũy Fred Hollows tại Việt Nam và đối tác xây dựng nhằm triển khai Tài liệu Chăm sóc mắt và Phòng chống mù lòa và Hướng dẫn Chăm sóc mắt học đường đã được duyệt áp dụng trên phạm vi toàn quốc và tiếp tục xây dựng tài liệu chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa cho học sinh mẫu giáo. Việc nhân rộng trên phạm vi toàn quốc nhằm giảm thiểu tình trạng suy giảm thị lực cho học sinh (từ 4-15 tuổi) thông qua cải thiện kiến thức, thái độ và thực hành chăm sóc mắt của học sinh, phụ huynh và giáo viên trong phòng chống tật khúc xạ học đường và phòng chống các bệnh về mắt khác như đau mắt đỏ và chấn thương mắt vốn đang gia tăng ở Việt Nam.

Hội nghị tổng kết dự án Mắt sáng học hay.

Ngoài ra, dự án cũng sẽ phát triển tài liệu chăm sóc cho bậc học mầm non thí điểm trong vùng dự án (Hải Dương, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Tiền Giang), hỗ trợ chăm sóc mắt cho trẻ khuyết tật (trẻ điếc) bằng cách chuyển đổi các tài liệu chăm sóc mắt đã được phê duyệt sang ngôn ngữ ký hiệu và cung cấp các dịch vụ chăm sóc mắt cho các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc các trường học ở miền núi, vùng sâu vùng xa trong địa bàn dự án để giúp học sinh nghèo, cận nghèo, trẻ mồ côi, trẻ em dân tộc thiểu số,… có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt tại trường học và nơi mình đang sống.

Đoàn Thanh niên Ban Quản lý các dự án Bộ GDĐT phát huy vai trò xung kích

Chi đoàn Ban quản lý các dự án Bộ GDĐT vừa phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Bộ GDĐT đến thăm hỏi, động viên và trao tặng những suất quà nghĩa tình tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An trong 2 ngày 22-23/10/2022.

Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” hướng về miền Trung ruột thịt, với tinh thần khẩn trương, kịp thời nhằm chia sẻ những khó khăn với bà con nhân dân, thầy và trò bị ảnh hưởng do thiện tai, lũ lụt. Các đoàn viên thanh niên và cán bộ Ban quản lý các dự án Bộ GDĐT đã chung tay quyên góp, ủng hộ 40 suất quà cho các gia đình tại thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ. Trị giá mỗi suất gồm 1 túi quà trị giá 300 nghìn đồng và 1 triệu tiền mặt. Bên cạnh đó, Đoàn cũng đã trao 2.000 cuốn vở ô ly cho học sinh tại Trường Tiểu học xã Tà Cạ; 02 bộ trống đội; 1.000 bát ăn cơm trị giá 35 triệu đồng và 20 suất học bổng trị giá mỗi suất 500 nghìn đồng cho các cháu học sinh. Tổng giá trị ủng hộ của chương trình lên đến 105 triệu đồng.

Trong chương trình, nhằm tăng cường công tác giáo dục truyền thống cách mạng, học tập tấm gương Bác Hồ vĩ đại, Đoàn tình nguyện cũng đã tiến hành dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Qua đó, đoàn viên, thanh niên được hiểu hơn về thân thế, thời niên thiếu; cuộc đời giản dị, lối sống mộc mạc hình thành nên nhân cách và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ở một diễn biến khác, nhằm thiết thực chào mừng thành công Đại hội Đoàn Bộ GDĐT lần thứ VII; tiến tới Đại hội Đoàn Khối các cơ quan trung ương lần thứ IV nhiệm kỳ 2022 -2027, ngày 25/9, Đoàn Thanh niên Bộ GDĐT phối hợp Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Trường Đại học Hải Phòng, Đoàn Thanh niên Cục An ninh chính trị nội bộ A03, Bộ Công an tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm công tác Đoàn, Hội và Phong trào Thanh niên năm 2022.

Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn Thanh niên Bộ GDĐT và Đoàn Thanh niên Cục A03 đã chia sẻ 2 chuyên đề: “Vai trò, trách nhiệm của sinh viên với văn hóa học đường”; “Nhận diện thông tin xấu, độc trên không gian mạng và phát huy vai trò của tổ chức đoàn trong việc phòng, chống tin giả, xấu độc” tới các đoàn viên sinh viên Nhà trường. Giúp cho đoàn viên, sinh viên tại Trường ĐH Hải Phòng nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của văn hoá học đường và cảnh giác những thông tin chưa được kiểm chứng. Từ đó giúp cho thế hệ trẻ trong các nhà trường được phát triển toàn diện về cả nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn; trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Cũng tại chương trình, đoàn viên Chi đoàn Ban quản lý các dự án Bộ GDĐT đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn quan trọng về thực hiện cơ chế, chính sách cho cán bộ Đoàn và công tác lãnh đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn liền với hoạt động phong trào. Qua đó, các đơn vị có thể áp dụng các kinh nghiệm, mô hình nhằm phát huy vai trò của tổ chức đoàn thanh niên tại mỗi đơn vị, đồng thời đề cao tinh thần đoàn kết, phối hợp với phương châm thế mạnh của đơn vị này sẽ bổ sung cho các tồn tại, hạn chế của đơn vị khác.

Triển khai hiệu quả dự án “Học tập cho trẻ em”

Sau 5 năm triển khai, dự án “Học tập cho trẻ em” đã đạt được những mục tiêu nhất định. Dự án đã góp phần giải quyết được các vấn đề về những tồn tại trong việc đảm bảo giáo dục hòa nhập cho tất cả trẻ em Việt Nam trong bối cảnh đổi mới giáo dục, xóa bỏ chênh lệch trong tiếp cận giáo dục giữa khu vực nông thôn và thành thị, bất bình đẳng giới và bất bình đẳng trong đầu tư vào các cấp học…

Dự án “Học tập cho trẻ em” được triển khai trong giai đoạn 2017 – 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) là cơ quan chủ quản, Ban quản lý các dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ban QLCDA) là chủ dự án – cơ quan quốc gia thực hiện dự án, Hội đồng dân tộc Quốc hội là cơ quan đồng thực hiện (chủ dự án thành phần).

Mục tiêu của Dự án là nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách; góp phần thực hiện các quyền học tập của trẻ em; tăng cường trách nhiệm của hệ thống giáo dục để có thể thực hiện các cam kết đối với giáo dục hoà nhập và bình đẳng trong bối cảnh thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Tại Việt Nam, nhu cầu cho trẻ em dưới 5 tuổi đi học mầm non ở một số địa phương không tăng do quan niệm văn hoá, đặc biệt đối với các hộ gia đình nghèo, cho rằng trẻ có thể học ở gia đình. Nhận thức về các nhu cầu của trẻ theo từng giai đoạn tăng trưởng và phát triển của lứa tuổi vẫn còn thấp. Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với các cơ hội bất bình đẳng trong chăm sóc, giáo dục trẻ thơ và các dịch vụ phát triển trẻ thơ kém chất lượng cho nhóm trẻ thiệt thòi. Tỷ lệ trẻ đến trường, lớp và các cơ sở giáo dục mầm non ở khu vực nông thôn và các tỉnh miền Nam thấp hơn so với khu vực thành thị và các tỉnh miền Bắc; tình trạng thiếu giáo viên được đào tạo và cơ sở vật chất trường lớp cho giáo dục mầm non là những vấn đề cần được quan tâm. Trẻ em khuyết tật gặp nhiều khó khăn như kỳ thị và phân biệt đối xử do nhiều nguyên nhân như trường, lớp bị tách riêng; giáo viên thiếu kiến thức và kỹ năng dạy giáo dục hoà nhập; thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ trẻ em khuyết tật; thiếu các diễn đàn để trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay và các bài học kinh nghiệm…  Đây là những vấn đề cần được giải quyết trong khuôn khổ của dự án.

Trong khuôn khổ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam tăng cường giáo dục hoà nhập, công bằng, dựa trên quyền góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030 với mục đích “Không ai bị bỏ lại phía sau”, UNICEF sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng tất cả trẻ em, không phân biệt giới tính, dân tộc, hoàn cảnh kinh tế xã hội hay hoàn cảnh cá nhân đều được tiếp cận giáo dục đảm bảo chất lượng từ bậc học mầm non đến phổ thông, được học tập và phát huy hết tiềm năng của bản thân.

Để đạt được mục tiêu đó, dự án đã hỗ trợ các chương trình và sáng kiến giáo dục đổi mới tập trung vào nhóm trẻ em dễ bị tổn thương và ít được quan tâm nhất. Mục tiêu hợp tác cơ bản giữa UNICEF và Chính phủ Việt Nam là cùng nhau hợp tác nhằm nâng cao năng lực giáo dục và đào tạo, năng lực của cộng đồng và cha mẹ để thực hiện các nghĩa vụ đối với trẻ em. Các nghĩa vụ này bao gồm việc đảm bảo quyền của tất cả trẻ em được đi học ở các cơ sở đảm bảo chất lượng, công tác chuẩn bị và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp và phục hồi sau thiên tai. UNICEF sẽ tập trung vào các kết quả học tập, bình đẳng giới, tiếp cận toàn diện, đảm bảo việc duy trì học tập và hoàn thành cấp học cho tất cả trẻ em thiệt thòi bao gồm cả học sinh khuyết tật.

Về cơ bản, sau 5 năm triển khai, dự án đã góp phần hoàn thiện chính sách, tài liệu thực hiện bình đẳng trong tiếp cận giáo dục cho trẻ em; tăng cường trách nhiệm của hệ thống giáo dục để có thể thực hiện các cam kết đối với giáo dục hòa nhập và bình đẳng; tăng cường cơ chế theo dõi báo cáo các số liệu, quản lý thông tin nhằm thực hiện cam kết đối với giáo dục hòa nhập và bình đẳng; góp phần xây dựng hệ thống giáo dục tạo điều kiện cho mọi trẻ em; tăng cường hiệu quả quản lý thực hiện, giám sát công tác triển khai hoạt động dự án.

Bình đẳng và hòa nhập là hai yếu tố chính trong công tác cải cách giáo dục nhằm chuyển đổi từ hệ thống dạy và học một chiều, bị động sang một hệ thống dạy và học dựa trên năng lực, hiện đại, thúc đẩy sự sáng tạo, tự lực, tư duy đổi mới và vận dụng thực tế kiến thức. Đây là một bước tiến mang tính chiến lược, phù hợp với Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về giáo dục đến năm 2030 và một số chỉ tiêu của Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SGD 4) về giáo dục.

Hoàn thành danh mục 4.000 ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ khiếm thính

Đó là nội dung quan trọng đã được Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu” (Dự án QIPEDC) hoàn thành. Dự án được đánh giá góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu.

Ở Việt Nam, hầu hết học sinh khiếm thính ít được tiếp cận giáo dục trước tuổi đến trường và thường bị cô lập ở gia đình; cha mẹ không được hỗ trợ chuyên môn về chăm sóc, giáo dục học sinh khiếm thính. Học sinh khiếm thính thiếu cơ hội để nắm bắt nền tảng căn bản về ngôn ngữ giao tiếp và lớn lên trong sự thiếu hụt về giao tiếp với các thành viên trong gia đình và bạn bè. Điều đáng bàn là ngay cả khi được học ngôn ngữ ký hiệu thì tại nhiều địa phương có sự không đồng nhất trong ký hiệu ngôn ngữ, gây lung túng cho người học, khó khan trong tiếp cận. Việc thống nhất được danh mục ngôn ngữ ký hiệu góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ khiếm thính, mang ý nghĩa nhân văn cao cả khi hướng tới đối tượng chịu thiệt thòi.

Thông qua các nội dung thực hiện của dự án như xây dựng bổ sung danh mục ngôn ngữ ký hiệu; xây dựng học liệu băng hình dựa trên ngôn ngữ ký hiệu dành cho giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học; xây dựng tài liệu và bồi dưỡng giáo viên tiểu học, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyến tật, người lớn điếc dạy môn Toán và Tiếng Việt bằng ngôn ngữ ký hiệu đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận cho học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu nhằm nâng cao kết quả học tập của trẻ.

Dự án QIPEDC với sản phẩm cốt lõi là danh mục 4.000 ngôn ngữ ký hiệu, bộ học liệu 50 Video bài giảng môn Toán và 100 video bài giảng môn Tiến Việt (lớp 1 đến lớp 5) phục vụ cho việc dạy và học của học sinh khiếm thính cấp tiểu học, các kỹ năng hỗ trợ, chăm sóc trẻ khiếm thính được bồi dưỡng cho phụ huynh, giáo viên, nhân viên hỗ trợ và người lớn điếc đã góp phần vào giải quyết vấn đề này.

Dự án do Ban Quản lý các dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, Quỹ Hợp tác toàn cầu tài trợ theo kết quả đầu ra (GPRBA) ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới.

Dự án QIPEDC được triển khai từ tháng 5/2019 đến tháng 8/2022 tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 02 trường Sư phạm có học sinh khiếm thính cấp tiểu học, bao gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái, Nam Định, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Đắk Lắc, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cà Mau, Tiền Giang, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương.